Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Chủ Nhật, 20/04/2014, 20:50 (GMT+7)
Quan hệ Mỹ - Nga – Trung Quốc trong cục diện thế giới đa cực hiện nay

Trong quan hệ giữa các nước lớn hiện nay, quan hệ Mỹ - Nga - Trung giữ vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh toàn cầu và là tâm điểm dư luận quốc tế. Đặc biệt, trong cục diện thế giới đa cực của xu thế toàn cầu hóa, mối quan hệ này thể hiện đậm nét tính hai mặt: vừa hợp tác, vừa ngăn chặn, kiềm chế, cạnh tranh nhau.

1. Quan hệ Mỹ - Nga

Là hai siêu cường hạt nhân, Mỹ và Nga đều coi nhau là trọng tâm trong chính sách an ninh và đối ngoại của mình. Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma trong “chính sách ngoại giao thông minh” đã xác định Nga là một hướng ưu tiên và chủ trương “cài đặt lại quan hệ đối tác” với Mát-xcơ-va theo hướng mềm mỏng, uyển chuyển hơn. Để hiện thực hóa ý tưởng này, hai nước đã nỗ lực xúc tiến và đi đến ký Hiệp ước “cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 2” (START-2) vào năm 2010. Đây là bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân được dư luận quốc tế đánh giá cao. Về phần mình, Nga cũng đẩy mạnh hợp tác với Mỹ thông qua một số hoạt động cụ thể, như: trao đổi thông tin về các tổ chức khủng bố liên quan tới An Kê-đa giữa cơ quan tình báo hai nước để phối hợp giải quyết, ủng hộ Mỹ lập tuyến vận tải trong cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan, v.v.

Tuy nhiên, cùng với những động thái tích cực nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, trên thực tế, Mỹ và Nga vẫn tồn tại không ít bất đồng về quan điểm, phương pháp tiếp cận, giải quyết nhiều lĩnh vực quốc tế quan trọng, dẫn đến quan hệ hai nước “nóng”, “lạnh” thất thường. Điển hình như: Nga kiên quyết phản đối Mỹ và phương Tây can thiệp quân sự hòng lật đổ Chính quyền của Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát. Nga vẫn coi kế hoạch của Mỹ mở rộng NATO sang phía Đông và lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở khu vực sát biên giới Nga là mối đe dọa đến an ninh quốc gia của nước này. Điện Krem-li còn tuyên bố rằng, nếu Mỹ không có những cam kết bằng văn bản về ngừng triển khai NMD ở châu Âu thì Nga sẽ có các biện pháp mạnh tay để đối phó. Gần đây, hai nước còn có hành động “ăn miếng”, “trả miếng” khi Nga không cho phép công dân Mỹ nhận con nuôi, còn Mỹ đã đưa hàng chục quan chức Nga vào danh sách đen về vi phạm nhân quyền. Đặc biệt, vụ cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ E. Xnâu-đơn (người đã tiết lộ với toàn thế giới những thông tin “động trời” về chương trình giám sát và nghe lén điện thoại của Mỹ) đã đẩy quan hệ hai nước xuống nấc thang thấp nhất kể từ sau “Chiến tranh lạnh”. Trong khủng hoảng chính trị tại U-crai-na, mâu thuẫn giữa Mỹ và Nga lại có dịp bùng phát mạnh mẽ. Trong khi Nhà Trắng cảnh báo Nga sẽ phải “trả giá” nếu có bất cứ hành động can thiệp nào vào U-crai-na thì Quốc hội Nga lại thông qua nghị quyết cho phép Tổng thống V. Pu-tin triển khai quân sự tại Crưm. Hơn thế nữa, bất chấp sự răn đe trừng phạt của Mỹ, Nga vẫn có thái độ cứng rắn ủng hộ việc trưng cầu dân ý và tuyên bố sẵn sàng đón nhận Crưm thuộc U-crai-na sáp nhập vào Nga (nếu đó là ý nguyện của nhân dân Crưm) khiến cho tình hình ngày càng căng thẳng.

Lý giải về nguyên nhân “nóng”, “lạnh” thất thường trong quan hệ Mỹ - Nga, Tạp chí Nước Nga trên chính trường thế giới cho rằng: “Đó là do sự ám ảnh của tính khác biệt về ý thức hệ và chế độ chính trị, sự cạnh tranh địa chiến lược và tiềm lực quân sự giữa hai cường quốc,... Vì thế, cho dù bề ngoài hai bên đều thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác, nhưng hành động thực tế sâu thẳm bên trong vẫn còn khoảng cách khá xa”. Tạp chí này còn nhận định: “Quan hệ giữa hai cựu thù Mỹ - Nga tuy gặp nhiều gập ghềnh, nhưng sẽ không vì thế mà chuyển sang trạng thái đối đầu như thời “chiến tranh lạnh”. Bởi lẽ, hai nước này còn quá nhiều lợi ích chung ràng buộc lẫn nhau; đặc biệt, trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xy-ri, vấn đề hạt nhân của I-ran, hòa bình Trung Đông và các vấn đề về an ninh toàn cầu khác. Do vậy, trong thời gian tới, hai cường quốc này cần thiết lập một kiểu quan hệ hoàn toàn mới dựa trên nền tảng “bình đẳng”.

Đồng quan điểm trên, nhiều nhà phân tích chính trị quốc tế cho rằng, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tuy đã tuyên bố chấp nhận một thế giới đa cực, nhưng trên thực tế vẫn theo đuổi mục tiêu nắm quyền “lãnh đạo” thế giới và Mỹ vẫn chưa thật sự chấp nhận sự trỗi dậy của Nga cùng ảnh hưởng của nước này đối với không gian hậu Xô-viết. Họ cũng nhấn mạnh, Mỹ - Nga cần phải gia tăng độ tin cậy lẫn nhau và hành động nhiều hơn nữa, nhất là từ phía Mỹ, như Tổng thống Nga V. Pu-tin đã từng tuyên bố “điều mấu chốt trong quan hệ Nga - Mỹ vẫn là đối tác Mỹ thực hiện cam kết của mình như thế nào”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mối quan hệ này ngày càng thể hiện rõ tính hai mặt: vừa hợp tác, vừa ngăn chặn, kiềm chế, cạnh tranh nhau.  

2. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc

Những năm qua, lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc đã tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Tại cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Mỹ mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã đi đến sự đồng thuận cao trong chủ trương xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Đến nay, hai nước đã xây dựng hơn 60 cơ chế tham vấn, bao trùm lên các lĩnh vực: ngoại giao, kinh tế, thương mại, tài chính, năng lượng, môi trường và an ninh; đặc biệt là hai cơ chế cấp cao: Đối thoại chiến lược về kinh tế và Tham vấn về giao lưu nhân văn Trung - Mỹ. Trong 3 năm gần đây, Nguyên thủ hai nước đã gặp gỡ nhau 11 lần để hiện thực hóa các cam kết, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên; trong đó, hợp tác kinh tế được coi là điểm nhấn nổi bật nhất trong quan hệ song phương1 và chính điều này đã giúp họ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhau.

Tuy vậy, giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn khiến cho mối quan hệ này luôn ẩn chứa những bất đồng, xung đột. Bên cạnh các vấn đề “trầm kha” cũ chưa giải quyết xong, như: eo biển Đài Loan, tỷ giá giữa đồng đô la và đồng nhân dân tệ, bản quyền, dân chủ, nhân quyền..., thì hiện nay lại nảy sinh nhiều vấn đề mới phức tạp hơn. Gần đây, Mỹ tố cáo Trung Quốc về hoạt động gián điệp, nhằm đánh cắp thông tin mật và các công nghệ tiên tiến của Mỹ. Oa-sinh-tơn cũng phản đối những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, không chấp nhận Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh thiết lập trên biển Hoa Đông,... Đáp lại, Trung Quốc cũng phản đối các hành động nghe lén của Mỹ; coi chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD), nhất là việc tăng cường hiện diện quân sự, mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực (các nước ASEAN, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản,…) là để tạo thế trận chiến lược bao vây toàn diện đối với Trung Quốc. Đánh giá tổng thể quan hệ Mỹ - Trung Quốc, nhiều chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng, giữa hai nước này có nhiều lợi ích song trùng, nhưng cũng tiềm tàng nhiều hoài nghi, thiếu niềm tin chiến lược, dẫn đến bất đồng quan điểm, thậm chí “phủ nhận” nhau, làm cho quan hệ Mỹ - Trung Quốc trở thành mối quan hệ hết sức phức tạp trong quan hệ nước lớn hiện nay. Mỹ lo ngại sự trỗi dậy quá nhanh của Trung Quốc, nhất là việc đầu tư, tăng cường sức mạnh quân sự và trở thành “đối thủ đe dọa, cạnh tranh số một” không chỉ ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ ở CA-TBD mà còn có thể tiến đến “thay thế” vị trí “lãnh đạo thế giới” của mình. Vì thế, Mỹ luôn tìm mọi cách để kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc thì nghi ngại Mỹ vẫn còn tư duy của thời kỳ chiến tranh lạnh, tiếp tục chính sách đơn cực, cố ý khắc sâu sự khác biệt về chế độ xã hội và ý thức hệ, tiến hành các hành động “đối kháng” để cản trở Trung Quốc trỗi dậy.

Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, trong tương lai, tính chất hai mặt vừa hợp tác vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau vẫn sẽ là gam màu chủ đạo trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc; mặt cạnh tranh, tuy có lúc gay gắt nhưng do hai nước phụ thuộc nhiều vào nhau về kinh tế nên nó là điều kiện ràng buộc khiến một trong hai nước không thể mạo hiểm vượt qua để dẫn đến xung đột. Mặt khác, việc duy trì an ninh, ổn định ở khu vực CA-TBD là lợi ích chiến lược của cả Mỹ và Trung Quốc nên buộc họ phải dựa vào nhau để giải quyết, nhất là các vấn đề: Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, chống biến đổi khí hậu, v.v.

3. Quan hệ Nga - Trung Quốc

Là hai nước lớn có chung đường biên giới và mối bang giao láng giềng lâu đời, Nga và Trung Quốc đều coi trọng vun đắp quan hệ truyền thống tốt đẹp vốn có. Trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Trung Quốc vừa qua, hai bên đã đạt được thỏa thuận quan trọng nhằm mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là về năng lượng, kinh tế2 và an ninh. Trong lĩnh vực quân sự, hai nước đã thiết lập các cơ chế đối thoại cấp cao, hợp tác biên phòng, hải quân, tổ chức các cuộc tập trận chung và mua bán vũ khí, trang bị quân sự. Trong lĩnh vực đối ngoại, hai nước coi trọng xây dựng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO, thành lập ngày 15-6-2001); trong đó, Nga chịu trách nhiệm chính ủng hộ các nước thành viên SCO trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, còn Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính và kinh tế. Hai nước có cùng quan điểm để giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, như: cuộc khủng hoảng ở Xy-ri, hạt nhân của Triều Tiên, I-ran, v.v.

Bên cạnh sự hợp tác, thống nhất quan điểm đó, theo các chuyên gia quân sự thế giới, Nga và Trung Quốc còn nhiều vấn đề chưa thống nhất. Nga hiện tại, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, nhằm tạo sự ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề, sự kiện quốc tế, nhất là việc kiềm chế chiến lược “xoay trục” sang CA-TBD của Mỹ. Trong vấn đề này, Nga cũng đồng thời thúc đẩy mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực, như: ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,… để mở rộng ảnh hưởng, nâng cao vị thế của mình ở khu vực chiến lược này.

Thực tế cho thấy, trong cục diện thế giới đa cực hiện nay, tuy hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo, nhưng xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ do những mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống (khủng bố, tội phạm mạng, thảm họa thiên tai,...) đang có chiều hướng gia tăng, đe dọa trực tiếp đến an ninh, ổn định thế giới. Mỹ - Nga - Trung với tư cách là những cường quốc cần phát huy vai trò trung tâm của mình, góp phần cùng các nước xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.

KIỀU LOAN
______

1 - Năm 2011, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc đạt 446,64 tỷ USD (tăng gần 1,5 lần so với năm 2007).

2 - Tổng kim ngạch thương mại song phương Nga - Trung Quốc tăng từ 8 tỷ USD năm 2000 lên 88 tỷ USD năm 2013 và dự kiến đến 2020 sẽ đạt 200 tỷ USD.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...