Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 17/04/2014, 22:59 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Lục quân 1 nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo
Thiếu tướng Đỗ Viết Toản, Hiệu trưởng Nhà trường kiểm tra huấn luyện tại thao trường

Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) là nhiệm vụ, mục tiêu xuyên suốt của mọi nhà trường. Đó cũng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được thể hiện sâu sắc qua Nghị quyết “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu CNH,HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” mà Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) mới ban hành. Đối với Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Trường đại học Trần Quốc Tuấn), nhiệm vụ đó còn mang tính cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo sĩ quan, xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Quán triệt tinh thần đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Kết quả các khóa đào tạo gần đây có trên 78% học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi. Học viên tốt nghiệp ra trường đều hoàn thành được chức vụ ban đầu, có trên 50% hoàn thành ở mức khá. Uy tín, vị thế của Trường trong hệ thống nhà trường quân đội và hệ thống giáo dục quốc dân được khẳng định.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, công tác GD-ĐT của Nhà trường còn có những mặt hạn chế. Chương trình, nội dung đào tạo một số môn học, ngành học còn trùng lặp, có nội dung chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Phương pháp dạy - học có sự đổi mới, nhưng còn chậm. Tỷ lệ nhà giáo có trình độ sau đại học, chức danh khoa học, học vị còn thấp. Kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) chưa tương xứng với tiềm năng, v.v.

Trước thực tế đó, để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng GD-ĐT, Nhà trường đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ GD-ĐT. Quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quân đội về GD-ĐT, nhất là Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Công tác GD-ĐT trong tình hình mới”; “Chiến lược phát triển GD-ĐT trong các nhà trường quân đội giai đoạn 2011 - 2020” của Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Nhà trường đã ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng GD-ĐT và NCKH, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp sát với tình hình thực tiễn của Nhà trường. Trong quá trình thực hiện, Nhà trường chú trọng phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của đội ngũ cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp, phân công cấp ủy viên phụ trách từng mặt công tác; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Trước mỗi giai đoạn, nhiệm vụ quan trọng, Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, khoa giáo viên xây dựng nghị quyết chuyên đề, bảo đảm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tính năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tổ chức, nâng cao kết quả công tác huấn luyện. Cùng với đó, Nhà trường chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên (CB,GV), học viên về nhiệm vụ GD-ĐT; rà soát, ban hành các quy chế, quy định về hoạt động GD-ĐT và NCKH, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Ý thức sâu sắc về vai trò của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý - chủ thể của hoạt động dạy - học, Nhà trường đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% CB,GV có trình độ sau đại học, riêng giảng viên cơ hữu có 90% - 100% trình độ sau đại học (trong đó có 20% tiến sĩ). Để thực hiện mục tiêu đó, Nhà trường đã lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, xây dựng Kế hoạch thực hiện tổng thể và từng năm, với các chỉ tiêu, biện pháp cụ thể. Nhà trường chỉ đạo các cơ quan phối hợp với các khoa giáo viên, hệ, tiểu đoàn rà soát đánh giá thực chất đội ngũ CB,GV. Trên cơ sở đó, tiến hành công tác quy hoạch, tạo nguồn đào tạo, gắn quy hoạch, đào tạo với sắp xếp, sử dụng CB,GV. Trong đó, chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có học vị, chức danh khoa học, cán bộ trẻ, đáp ứng nhiệm vụ GD-ĐT, cả trước mắt và lâu dài. Thời gian qua, Nhà trường thực hiện đa dạng hóa các hình thức, vận dụng linh hoạt các biện pháp tạo nguồn, ưu tiên tạo nguồn giảng viên từ học viên tốt nghiệp loại giỏi, vận động viên có thành tích cao trong các giải thi đấu toàn quân, toàn quốc và cán bộ từ các đơn vị, học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội thuộc chuyên ngành mũi nhọn. Cùng với đó, Nhà trường tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa kiến thức, nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ CB,GV. Bằng nhiều biện pháp, Nhà trường gắn đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ với gửi đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội; duy trì có nền nếp chế độ học tập tại chức cho CB,GV; qua đó, bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức, phương pháp dạy - học cho giảng viên, phương pháp quản lý, chỉ huy, tổ chức tự học cho cán bộ quản lý.

Ngoài ra, để tạo động lực cho CB,GV phấn đấu, rèn luyện, Nhà trường đã xây dựng và ban hành Quy định chuẩn hóa chức danh nhà giáo; đồng thời, có chế độ, chính sách ưu đãi cho CB,GV đi đào tạo sau đại học và nhà giáo có chức danh khoa học, trình độ học vấn cao,... Đến nay, tỷ lệ CB,GV của Trường có trình độ sau đại học đạt trên 35%, riêng giảng viên có trình độ sau đại học đạt gần 50%, trong đó có 23 tiến sĩ, 01 phó giáo sư, trên 50% CB,GV đã qua thực tế ở đơn vị theo chức danh đào tạo.

Ba là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nội dung, phương pháp dạy - học. Để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo bậc đại học, Nhà trường chỉ đạo các khoa giáo viên và cơ quan chức năng tiếp tục rà soát hệ thống giáo trình, tài liệu, cắt bỏ những nội dung trùng lặp, cân đối thời gian giữa các khối kiến thức để tăng thời gian huấn luyện thực hành và cập nhật sự phát triển của vũ khí, trang bị, nghệ thuật quân sự, bảo đảm trang bị kiến thức toàn diện nhưng chuyên sâu, phù hợp với đặc thù đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu Lục quân và hòa nhập hệ thống giáo dục quốc dân.

Cùng với đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình, Nhà trường đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học, khắc phục lối truyền thụ kiến thức một chiều, chuyển mạnh từ chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển năng lực tư duy vận dụng lý luận vào thực tiễn của người học. Từ năm 2010, Nhà trường được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đào tạo cao học nghệ thuật quân sự, đại học văn bằng 2. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Nhà trường đã chỉ đạo các khoa giáo viên lựa chọn giảng viên, tổ chức tập huấn thống nhất phương pháp dạy - học cho các đối tượng này; trong đó, chú trọng vận dụng phương pháp dạy - học nêu vấn đề và hướng dẫn nghiên cứu. Các khoa giáo viên đã đẩy mạnh hoạt động phương pháp, thực hiện có nền nếp quy trình chuẩn bị bài giảng, tổ chức thông qua, thục luyện, giảng thử, giảng mẫu, dự giờ ở từng cấp để rút kinh nghiệm, thống nhất phương pháp và chuẩn hóa động tác thực hành. Nhà trường cũng chỉ đạo xây dựng hệ thống bài giảng thống nhất, phù hợp với từng đối tượng. Các khoa giáo viên đã đi sâu thiết kế bài giảng theo từng chủ đề, vấn đề, tích cực đặt ra các tình huống có vấn đề, buộc người học tự tìm tòi, đào sâu suy nghĩ, chiếm lĩnh tri thức. Mặt khác, Nhà trường quan tâm đầu tư trang, thiết bị dạy - học hiện đại, nâng cấp hệ thống thư viện, thư viện điện tử, phòng đọc tài liệu, phòng in-tơ-nét, mạng Misten, gắn liền với bồi dưỡng, hướng dẫn sử dụng, tạo cơ sở để thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy - học. Đến nay, 100% giảng viên Nhà trường sử dụng thành thạo các phương tiện dạy - học hiện đại, vận dụng sáng tạo phương pháp dạy - học tích cực, phù hợp với từng đối tượng, môn học.

Cùng với đổi mới cách dạy, Nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng giờ tự học của học viên, nhằm từng bước biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Nhà trường yêu cầu giảng viên phối hợp với cán bộ quản lý, để bồi dưỡng, hướng dẫn học viên nghiên cứu trước tài liệu, giáo trình, nắm các nội dung trọng tâm, trọng điểm, đề xuất được những vướng mắc trong quá trình tự nghiên cứu,... Các đơn vị học viên tích cực rút kinh nghiệm học tập, trao đổi phương pháp tự học, tự nghiên cứu; chú trọng nhân rộng và phát huy hiệu quả của tổ phương pháp, mô hình “Đôi bạn cùng tiến”, v.v.

Phút giải lao trên thao trường

Bên cạnh đó, Nhà trường còn triển khai lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên và cán bộ quản lý, tổ chức khảo sát chất lượng học viên trước khi tốt nghiệp và học viên đã tốt nghiệp đang công tác ở các đơn vị, coi đây là một kênh thông tin, biện pháp quan trọng để rút kinh nghiệm, chỉ đạo xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, đổi mới phương pháp dạy - học.

Bốn là, đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp thi, kiểm tra nhằm đánh giá thực chất kết quả GD-ĐT. Thi, kiểm tra là khâu cuối của quá trình dạy - học, phản ánh kết quả quá trình dạy - học, nên nó có tác động quan trọng đến hoạt động dạy và hoạt động học. Nhận rõ điều này, Nhà trường đã chỉ đạo các khoa giáo viên đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện hệ thống ngân hàng đề thi cho từng môn học, đối tượng đào tạo theo hướng: đề cao năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn, có tính phân loại cao. Nội dung đề thi gắn lý luận với việc giải quyết những vấn đề thực tiễn theo cương vị, chức trách, không thi lý luận chung chung, nhằm phát triển, rèn luyện tố chất người chỉ huy. Cùng với đó, các khâu coi thi, chấm thi cũng được Nhà trường chỉ đạo tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc. Nhà trường đã thành lập Ban khảo thí và đảm bảo chất lượng GD-ĐT theo đúng quy định của Bộ. Đồng thời, xây dựng quy chế hoạt động, phát huy vai trò chuyên trách của cơ quan này, đảm bảo hoạt động độc lập với tổ chức đào tạo, nhằm thúc đẩy, nâng cao một bước chất lượng GD-ĐT. Hiện nay, 100% các môn thi đều được lấy từ ngân hàng đề thi, các môn thi vấn đáp kết quả thi của học viên được công bố ngay sau khi thi, các môn thi tự luận được chấm tập trung, bảo đảm khách quan, trung thực, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Năm là, đẩy mạnh công tác NCKH, gắn NCKH với GD-ĐT. Công tác NCKH là một nhiệm vụ trung tâm của Nhà trường, tạo cơ sở cho nâng cao chất lượng GD-ĐT. Nhà trường đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý NCKH từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng tính tự chủ cho chủ thể và ứng dụng đề tài sau công bố. Hằng năm, căn cứ kế hoạch NCKH của Nhà trường, các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị đăng ký, xây dựng kế hoạch NCKH phù hợp với đối tượng, nhiệm vụ năm học ở cấp mình. Nội dung NCKH được Nhà trường hướng tập trung vào các đề tài phục vụ trực tiếp nhiệm vụ GD-ĐT và giải quyết những vấn đề bức thiết của thực tiễn đơn vị. Nhà trường chỉ đạo Phòng Khoa học quân sự tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện; tổ chức thẩm định, đánh giá kết quả, lựa chọn các sản phẩm nghiên cứu có chất lượng tốt để ứng dụng, phát hành trên mạng thông tin nội bộ, phát hành sách, tài liệu tham khảo,… phục vụ việc học tập, nghiên cứu của các đối tượng. Để tạo điều kiện, thu hút đông đảo CB,GV, học viên tham gia, Nhà trường thực hiện đa dạng hóa hình thức nghiên cứu, tăng cường hội thảo khoa học; tổ chức cho học viên viết tiểu luận, khóa luận; đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật,… Nhờ đó, công tác NCKH của Nhà trường có chuyển biến tiến bộ vững chắc. Từ năm 2010 đến nay, Nhà trường đã triển khai được 08 đề tài cấp Bộ, 15 đề tài cấp ngành, 35 đề tài cấp Trường; biên soạn hơn 200 bộ giáo trình, tài liệu huấn luyện. Đặc biệt, các đề tài: “Nghiên cứu nghệ thuật cơ động lực lượng của đại đội bộ binh tiến công địch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”, sáng kiến “Ống thở bơi bí mật”, “Cụm kim hỏa súng ngắn K54 dùng cho huấn luyện”, “Hệ thống đánh lửa xe BPĐM-2” của Nhà trường được Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng đánh giá đạt Xuất sắc và tặng Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân lần thứ XIII.

Phát huy kết quả đã đạt được, Trường Sĩ quan Lục quân 1 tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GD-ĐT, xây dựng Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS. ĐỖ VIẾT TOẢN

Hiệu trưởng Nhà trường

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.