Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Ba, 22/04/2014, 08:55 (GMT+7)
Nghịch lý dân chủ và hệ lụy từ thể chế đa đảng

Hiện có một số người cho rằng, phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có dân chủ. Thậm chí họ còn cao giọng khẳng định những nước có thể chế chính trị đa đảng là những “quốc gia dân chủ”.  Vậy, điều đó có đúng không? Câu trả lời từ thực tế sinh động là không hẳn đúng. Có nhiều nước theo thể chế chính trị đa đảng nhưng dân chủ lại không được bảo đảm, hơn thế còn bị chà đạp dẫn đến hệ lụy khôn lường.

Hiện nay trên thế giới chưa có sự thống nhất về khái niệm “dân chủ”. Tùy theo lập trường giai cấp, ý thức hệ mà mỗi quốc gia có quan điểm khác nhau về “dân chủ”. Nổi lên có hai loại chính là “dân chủ tư sản” và “dân chủ XHCN”. Dù có quan niệm khác nhau về nhiều khía cạnh, nhưng vẫn có những điểm chung khi nói đến “dân chủ”. Đó là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị xã hội, trong đó, thừa nhận nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể của quyền lực, thông qua một hệ thống chính trị được bầu cử tự do; thừa nhận nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số; thừa nhận nguyên tắc tự do, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi của mọi công dân trước pháp luật. Dân chủ phải được bảo đảm bằng pháp luật và thực hiện trong khuôn khổ pháp luật và được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quốc gia. Một quốc gia có nền dân chủ đích thực thì đất nước sẽ ổn định, chính trị - xã hội (CT-XH) được giữ vững, kinh tế có điều kiện phát triển. Và ngược lại, một quốc gia không có sự ổn định CT-XH, kinh tế suy thoái, đời sống của người dân khó khăn thì khó thể có nền dân chủ thực sự.

Đối chiếu những nguyên tắc, những đặc trưng cơ bản, chung nhất ấy, người ta thấy nó đã và đang đúng. Ở không ít quốc gia theo thể chế “đa đảng”, nền dân chủ đang bị vi phạm trắng trợn. Có thể lấy Thái Lan và U-crai-na hiện nay là những ví dụ.

Thái Lan là đất nước có thể chế chính trị đa đảng từ khá lâu ở Đông Nam Á. Nhưng nổi tiếng là đất nước của các cuộc đảo chính bởi sự tranh giành quyền lực giữa các đảng đối lập, gây bất ổn CT-XH không ngừng.

Biểu tình một cách hòa bình để người dân thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình là quyền được coi là dân chủ, được pháp luật bảo đảm ở quốc gia này. Nhưng thực tế tình hình ở Thái Lan có phải như vậy không, hay do các tổ chức chính trị đối lập đã lạm dụng quyền đó lôi kéo quần chúng, tổ chức biểu tình, gây bạo loạn để thực hiện mưu đồ chính trị, lật đổ chính phủ hợp hiến, hợp pháp, mà họ cho rằng hiện không còn phù hợp. Đó là “Nghịch lý dân chủ” được biểu hiện ở Thái lan, cũng như phổ biến ở các nước “dân chủ đa đảng” lâu nay.

Từ ngày 11-11-2013, một chiến dịch biểu tình mới mang tên chiến dịch “Đóng cửa Băng Cốc” do cựu Phó Thủ tướng Su-thep Thau-xu-ban thuộc Đảng Dân chủ đối lập khởi xướng đã bùng lên ở Thái Lan để phản đối dự luật Ân xá chính trị mới được Hạ viện thông qua. Nhưng đó chỉ là cái cớ, còn mục tiêu thực sự của ông Su-thep là lật đổ Chính phủ của bà Dinh-lắc Xin-na-vắt.

Qua hơn ba tháng tổ chức biểu tình nhằm lật đổ được Chính phủ, nhưng chưa đạt được mục đích. Ông Su-thep tuyên bố chấm dứt chiến dịch “Đóng cửa Băng Cốc” vào ngày 01-3-2014. Tuy nhiên, Ông cũng cảnh báo: “Chấm dứt chiến dịch Đóng cửa Băng Cốc, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đóng cửa các văn phòng Chính phủ và doanh nghiệp của gia tộc Xin-na-vắt như trước đây và cuộc chiến của chúng tôi sẽ dữ dội hơn”. Tiếp đó, trong những ngày cao trào biểu tình, ông Su-thep ra “tối hậu thư” đòi Thủ tướng Dinh-lắc phải từ chức trong vòng 24 giờ; chỉ huy người biểu tình phong tỏa các con đường huyết mạch, bao vây, chiếm lĩnh các cơ quan công quyền nhà nước, kể cả trụ sở Chính phủ, đại bản doanh quân đội, đài phát thanh và truyền hình, hòng làm tê liệt mọi hoạt động ở Thủ đô và các cơ quan công quyền.

Chính phủ của bà Dinh-lắc đã kiên trì không sử dụng vũ lực trấn áp biểu tình và có nhiều nhượng bộ với phe đối lập, kể cả việc tuyên bố giải tán Hạ viện, tiến hành bầu cử sớm trước thời hạn để “trả lại chính quyền cho nhân dân và để nhân dân quyết định”. Tuy nhiên, thủ lĩnh biểu tình Su-thep tuyên bố kiên quyết tẩy chay bầu cử, vì biết rằng, có bầu cử lúc này thì đảng Dân chủ đối lập của Ông cũng lại thất bại như lần trước. Cuộc bầu cử ngày 02-02-2014, diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn bởi sự ngăn cản, chống phá của đảng Dân chủ đối lập. Tại miền Nam Thái Lan, 09 trong 14 điểm bầu cử đó phải hủy bỏ và bị người biểu tình cản phá. Cuối cùng Toà án Hiến pháp Thái Lan đã phải tuyên bố huỷ bỏ kết quả bầu cử trên.

Bầu cử tự do là quyền dân chủ chính trị quan trọng bậc nhất của công dân. Tổ chức biểu tình ngăn chặn công dân bầu cử, phá hoại, tẩy chay bầu cử có nghĩa là vi phạm, phá hoại những nguyên tắc cơ bản nhất của nền dân chủ, tước bỏ quyền dân chủ về chính trị của công dân. Nền dân chủ ở Thái Lan rõ ràng bị thách thức nghiêm trọng bởi chiến dịch biểu tình, bạo loạn chính trị kéo dài ở đất nước gọi là “dân chủ đa đảng” này.

Dân chủ phải được bảo đảm bằng pháp luật và trong khuôn khổ pháp luật. Những gì diễn ra trong chiến dịch biểu tình “Đóng cửa Băng Cốc” ở Thái Lan trong hơn ba tháng qua có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng điều mà ai cũng thấy, đó là: luật pháp ở đất nước này đã không được thực thi, quyền dân chủ của đa số người dân không được đảm bảo. Lạm dụng quyền dân chủ để tổ chức biểu tình gây bạo loạn hòng lật đổ chính phủ hợp hiến là “đi ngược tiến trình dân chủ” như chính dư luận Thái Lan đã phản ánh. Nghịch lý dân chủ này gây những hậu quả khôn lường cho nhân dân và đất nước Thái Lan cả về kinh tế, chính trị lẫn sinh mạng con người.

Về kinh tế, theo các hãng tin Thái Lan và nước ngoài, trong ba tháng qua, “cơn bão” biểu tình làm kinh tế Thái Lan thiệt hại khoảng 300 tỷ bạt (10 tỷ USD). Chỉ riêng tháng 11-2013, lượng khách du lịch đến Thái Lan giảm khoảng 350.000 người. Tăng trưởng kinh tế năm 2014 được dự báo chỉ khoảng 3% - 4%. Bất ổn chính trị cùng với thiên tai khiến kinh tế Thái Lan phải đối mặt với “một thập kỷ suy thoái”, với thiệt hại ước tính lên tới 1.000 tỷ bạt (33 tỷ USD). Những thiệt hại lớn về kinh tế như vậy cũng có nghĩa là quyền dân chủ kinh tế của người dân Thái Lan bị xâm hại nghiêm trọng.

Về chính trị, đất nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng về hình ảnh, vị thế. Các nguồn tin Thái Lan cho biết, chỉ riêng chiến dịch biểu tình bạo loạn chính trị lần này đã có hàng chục người chết, hơn 700 người bị thương. Đặc biệt, ngày 18-02-2014, có tới 69 người chết và bị thương cho cả cảnh sát và người biểu tình. Các quan chức Thái Lan cảnh báo Thái Lan đang đối mặt với “bóng ma nội chiến”. Thủ đô Băng Cốc có những ngày hỗn loạn, súng nổ và máu đổ trên đường phố. Đó là “nghịch lý dân chủ” ở một quốc gia “dân chủ đa đảng”.

Đối với U-crai-na, kịch bản “nghịch lý dân chủ” diễn ra ở quốc gia này tương tự như Thái Lan, nhưng quy mô, tính chất phức tạp và hậu quả thì tệ hại hơn nhiều. U-crai-na nằm giữa Nga và phần còn lại của châu Âu, có vị thế địa - chính trị đặc biệt quan trọng. Để tranh giành địa - chính trị, một số cường quốc luôn tìm mọi cách can thiệp vào U-crai-na. Đặc biệt, các nước phương Tây ra sức giúp đỡ, hỗ trợ mọi mặt cho phe đối lập tổ chức cuộc “cách mạng cam”, “cách mạng đường phố” theo học thuyết “phản kháng phi bạo lực” - còn gọi là một “công nghệ chính trị” chuyên để lật đổ những chính quyền không tuân thủ “quỹ đạo” của họ.

Công nghệ chính trị “phản kháng phi bạo lực” đã thực hiện thành công ở U-crai-na thông qua “cách mạng cam” năm 2004 - 2005 và kết quả là “bộ đôi quyền lực” được đào tạo từ phương Tây là ông V. Yu-xen-cô và  bà Y. Ti-mô-sen-cô lên làm Tổng thống và Thủ tướng U-crai-na. Dưới sự cai quản của “bộ đôi quyền lực” này, U-crai-na lâm vào “khủng hoảng kinh tế - xã hội đen tối nhất trong lịch sử nước này” với hàng loạt chỉ số báo động: GDP giảm 15% (năm 2008 - 2009), lạm phát tăng 16,4%, thất nghiệp tăng ba lần (lên 9%), thu nhập thực tế của người dân giảm 11%. Tình trạng đó dẫn tới kết thúc triều đại của “bộ đôi quyền lực” và ông V. Ya-nu-cô-vích trở lại làm Tổng thống sau cuộc bầu cử tháng 02-2010. 

Từ cuối tháng 11-2013, U-crai-na lại bùng lên cuộc “cách mạng cam” phiên bản mới. Lấy cớ phản đối việc Tổng thống V. Ya-nu-cô-vích từ chối ký một thỏa thuận thương mại tăng cường sự liên kết với Liên minh châu Âu, đêm 29-11-2013, phe đối lập do các thủ lĩnh Y-át-xe-núc, Tu-chi-nốp, Kli-chen-ko và Pro-sen-ko phát động chiến dịch biểu tình đòi lật đổ Tổng thống đương nhiệm được bầu hợp hiến, hợp pháp. Cuộc “cách mạng cam” lần này bùng phát từ các cuộc biểu tình nhưng không diễn ra trong hoà bình, mà là cuộc bạo loạn chính trị có vũ trang, trong đó, các lực lượng đối lập đã sử dụng người dân biểu tình làm “lá chắn sống” để tấn công các lực lượng bảo vệ pháp luật U-crai-na. Tình hình đó đã dẫn tới kết quả bi thảm là hàng trăm người chết, bị thương và bị bắt. Phe đối lập đã sử dụng vũ lực chiếm giữ các đường phố, các công sở, dùng cả hành động khủng bố và đe dọa khủng bố để ép buộc Tổng thống V. Ya-nu-cô-vích và Quốc hội U-crai-na phải nhượng bộ vô điều kiện.

Cuộc “cách mạng” do phe đối lập thực hiện kết thúc với kết quả chính quyền mới được dựng lên ở Kiev do ông Át-xe-ni Y-át-xe-núc làm Thủ tướng (ngày 27-02-2014). Nhưng tình hình U-crai-na vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là sau sự kiện bán đảo Crưm trở lại bản đồ nước Nga, miền Đông biểu tình đòi ly khai. Ngày 15-4-2014, Chính phủ tạm quyền U-crai-na khai hỏa “chiến dịch đặc biệt” nhằm trấn áp lực lượng biểu tình ở miền Đông - nơi không ủng hộ chính quyền đương thời Kiev; Tổng thống tạm quyền Tu-chi-nốp tuyên bố sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình tại vùng Đô-nhét-xcơ. Trong khi đó, nội bộ nước này lại xuất hiện dấu hiệu chia rẽ khó hàn gắn. Các phần tử quá khích tấn công 02 ứng cử viên Tổng thống U-crai-na: Ô-lếch Txa-rép và Mi-khai-in Đốp-kin. Ti-mô-xen-cô, lãnh đạo đảng Đất mẹ (Bathkivsina), ứng cử viên Tổng thống U-crai-na tuyên bố thành lập Phong trào phản kháng dân tộc. Bà cho rằng quân đội và cơ quan an ninh nước này không hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Vì vậy, tại mỗi thành phố cần thành lập các lữ đoàn tự vệ riêng. Đảng này đã thành lập bộ tham mưu trung ương và sẽ mở rộng hoạt động trên toàn U-crai-na. Tình hình U-crai-na lại châm ngòi cho cuộc “khẩu chiến” xuyên Đại tây dương giữa Nga và Mỹ. Ngày 14-4-2014, người đứng đầu Nhà trắng cáo buộc Mát-xcơ-va hỗ trợ lực lượng li khai thân Nga đang gây bất ổn tại U-crai-na. Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma cảnh báo Tổng thống Nga V. Pu-tin rằng Mát-xcơ-va sẽ “hứng chịu hậu quả vì các hành động ở U-crai-na”. Đáp lại, Tổng thống Nga Pu-tin bác bỏ cáo buộc cho rằng Mát-xcơ-va can thiệp vào U-crai-na và kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ sử dụng ảnh hưởng và khả năng của mình để ngăn chặn Kiev sử dụng vũ lực gây đổ máu ở miền Đông nước này. Trong chưa ấm, ngoài chưa êm, nay lại thêm “Chiến dịch đặc biệt” chưa tới hồi kết, Kiev đang thu hút sự chú ý không chỉ những người trong cuộc mà cả cộng đồng quốc tế. Một sự thật đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại hiện nay là những thủ lĩnh giành chính quyền bằng biểu tình đang sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình.

Một nền chính trị “dân chủ đa đảng” lại bị các thế lực nước ngoài chi phối nặng nề như vậy thì còn đâu là “dân chủ” của nhân dân! Chính vì lẽ đó mà “nghịch lý dân chủ” ở U-crai-na diễn ra khốc liệt, và hậu quả của nó cũng ghê gớm hơn ở Thái Lan rất nhiều cả về kinh tế, CT-XH và sinh mạng, đời sống con người. Dư luận đang nói nhiều đến những gì xảy ra ở U-crai-na thực sự là một thảm họa, không chỉ cho đất nước này mà cho cả hoà bình, an ninh ở khu vực và thế giới. U-crai-na đang đứng bên bờ suy sụp về kinh tế, chia rẽ sâu sắc và hỗn loạn về CT-XH, chia cắt về lãnh thổ. U-crai-na đang là tiêu điểm dư luận quốc tế, ám ảnh toàn nhân loại.

Vậy là cả Thái Lan và U-crai-na đều là những quốc gia “dân chủ đa đảng”, nhưng thực tế những quyền dân chủ cơ bản nhất về chính trị, kinh tế, đời sống của người dân ở đó đã và đang bị xâm phạm, bị tước đoạt bởi chiến dịch biểu tình, bạo loạn lật đổ các chính phủ hợp hiến, hợp pháp. Từ hiện thực trên cho thấy rõ: một nền dân chủ thực sự không phụ thuộc vào thể chế chính trị đa đảng hay một đảng, mà cốt yếu là phụ thuộc bản chất của chế độ đó được thể hiện qua đường lối, chủ trương, chính sách của đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền thực sự tiêu biểu cho tinh hoa trí tuệ, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của toàn thể nhân dân, dân tộc là nhân tố quyết định một nền dân chủ thực sự và sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước./.

     

NGUYỄN TRUNG

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.